Cảnh báo xung đột văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành Biên Phòng 22/08/2017 18:51 GMT+7 Tuy mới du nhập vào các tỉnh Tây Bắc từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng đạo Tin lành với hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lý và lễ nghi được đơn giản hóa, quần chúng hóa đã nhanh chóng cuốn hút một số lượng lớn tín đồ là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh nhiều vùng dân tộc, miền núi đang phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, do ảnh hưởng của đạo Tin lành đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Bài 1: Nhận diện xung đột mới trong văn hóa cộng đồng Bài 2: Phòng chống “Diễn biến hòa bình” lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc Trước năm 1987, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có hoạt động của các tôn giáo, không có cơ sở thờ tự tôn giáo, không có chức sắc tôn giáo. Cuộc sống của 19 dân tộc anh em sinh sống tại Điện Biên rất yên bình. Về đời sống tâm linh, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số theo tín ngưỡng dân gian truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên, thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió… mang đậm sắc thái văn hoá tín ngưỡng “phồn thực” của cư dân nông nghiệp. Đến năm 1987, cái gọi là đạo “Vàng Chứ” xâm nhập vào một số hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, mang tính chất đạo Công giáo, nhưng tập trung vào lôi kéo, kích động đồng bào Mông thành lập ‘‘Nhà nước Mông’’, nên bị đa số người dân kịch liệt phản đối. Để thích nghi với điều kiện địa phương, hoạt động tôn giáo này chuyển sang đạo Tin lành. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các tổ chức Tin lành trong và ngoài nước, đạo Tin lành nhanh chóng phát triển trong vùng đồng bào dân tộc Mông và lan ra một số dân tộc khác trong tỉnh Điện Biên. Cán bộ Đồn BP Nậm Kè nắm tình hình đời sống nhân dân ở bản Huổi Khon 1. Ảnh: Long Ngũ
Theo ông Hoàng Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, đạo Tin lành là một trong 3 tôn giáo chính, có số lượng người theo đông nhất trên địa bàn tỉnh, với 9.940 hộ, 58.041 người sinh hoạt tại 343 điểm nhóm, thuộc 11 hệ phái. Sự hiện diện của đạo Tin lành tại 404 thôn, bản ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh Điện Biên đã ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhìn chung, đa số tín đồ đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Điện Biên là những người dân lương thiện, họ tìm đến tôn giáo để muốn có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý ở Điện Biên là đạo Tin lành phát triển nhanh trong vùng đồng bào dân tộc gặp khó khăn về đời sống kinh tế hoặc đang khủng hoảng về niềm tin tôn giáo. Riêng tại địa bàn biên giới của tỉnh Điện Biên có 4.654 hộ với 26.441 người theo đạo Tin lành thì 100% là đồng bào dân tộc Mông, sinh hoạt tại 123 điểm nhóm tập trung ở 18 xã biên giới. Tính phức tạp, nhạy cảm của Tin lành ở Điện Biên lại còn bị chi phối bởi vấn đề dân tộc. Việc truyền đạo và theo đạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ gây ra những tác động tiêu cực về văn hóa, xã hội như đã nói ở trên, mà còn tạo ra những bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt ở một số nơi, các thế lực thù địch và phần tử xấu đã lợi dụng việc truyền đạo để tuyên truyền gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là việc tuyên truyền tư tưởng dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa ly khai, lôi kéo, kích động quần chúng tiến hành một số hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, như: Hoạt động tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”, móc nối người Mông ra nước ngoài, huấn luyện quân sự, tham gia các tổ chức phản động. Thời gian gần đây, 11 hệ phái Tin lành cùng truyền giáo trên địa bàn Điện Biên làm cho tình hình tôn giáo này có những diễn biến mới. Các hệ phái Tin lành tăng cường khuếch trương thanh thế, cạnh tranh truyền giáo, giành giật tín đồ, thậm chí công kích lẫn nhau, dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ các điểm nhóm, tạo ra yếu tố bất ổn trong an ninh nông thôn. Bên cạnh đó, một số hệ phái Tin lành chưa được Nhà nước công nhận (chính quyền cơ sở mới cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho 50 điểm nhóm), trong đó có những hệ phái cực đoan, phản văn hóa tìm cách xâm nhập vào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để lừa mị nhân dân, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động quần chúng tập trung đông người chống đối chính quyền... Cùng với sự biến đổi lối sống, tâm lý, tình cảm, sự chia rẽ về xã hội, văn hoá, tín ngưỡng dân tộc, đạo Tin lành không chỉ tạo nên sự chia rẽ trong nội bộ gia đình, dòng họ, mà còn lưu tồn định kiến hoài nghi đối với chế độ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch và phần tử xấu triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam, tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an với nhân dân, chia rẽ giữa đồng bào theo đạo và không theo đạo, để thực hành chủ nghĩa li khai. Thực tế trên địa bàn biên giới Điện Biên, sự phát triển của đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc Mông vừa là hệ quả, vừa là tác nhân của những diễn biến chính trị phức tạp trong thời gian gần đây. Sau vụ tụ tập đông người “xưng vua”, “đón vua” tại bản Huổi Khon, lợi dụng tự do tôn giáo, tự do dân chủ và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào theo đạo Tin lành, các thế lực thù địch đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo một bộ phận tín đồ di cư tự do, xuất cảnh trái phép để đi tìm “miền đất hứa”, thành lập “Vương quốc Mông”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Từ năm 2011 đến nay, huyện Mường Nhé liên tiếp phải hứng chịu những đợt di cư tự do ồ ạt, với số lượng lớn người tham gia phá rừng, chiếm đất làm nương. Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé Lò Văn Chiên, có thời điểm, hàng nghìn người di cư tự do đến phá rừng trước sự bất lực của chủ rừng và người dân địa phương. Hậu quả là quy hoạch dân cư huyện Mường Nhé bị phá vỡ, hàng nghìn héc-ta rừng phòng hộ, đặc dụng bị đốn hạ; tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân sở tại và dân di cư tự do ngày càng phức tạp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mất ổn định. Hoạt động đạo Tin lành trên địa bàn biên giới thêm diễn biến phức tạp khi các phần tử xấu lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và một số bất cập trong thực hiện chính sách để kích động người dân chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc lôi kéo tín đồ tập trung đông người tiến hành đòi các yêu sách phi lý đối với địa phương. Điển hình như vụ nhóm đạo liên hữu Cơ đốc giáo ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé kích động giáo dân bắt con em bỏ học đồng loạt để phản đối chính quyền ngăn chặn việc phá rừng của số người Mông di cư trong xã, vào tháng 3-2017. Những sự việc trên tiếp tục cho thấy hoạt động của đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số “chứa chất nhiều tiềm năng” đối với các thế lực thù địch chống phá Việt Nam thông qua các chiêu bài nhân quyền và tự do tôn giáo. Trong thời gian qua, việc triển khai các qui định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được thực hiện nghiêm túc, từng bước đưa sinh hoạt tôn giáo vào nền nếp, ổn định. Các hoạt động tôn giáo diễn ra dưới sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương. Với tinh thần đảm bảo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo, đặc biệt là đối với đạo Tin lành. Nhà nước Việt Nam thừa nhận sự tồn tại khách quan của đạo Tin lành ở Việt Nam, từng bước đưa đạo Tin lành vào thể chế luật pháp về tôn giáo, để phát huy những mặt tích cực, nhưng kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ nhóm người nào lợi dụng đạo Tin lành để phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và làm tổn hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc. Long Ngũ
0 Comments
Leave a Reply. |